Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Lưu Tú
cây cả nhàn ngồi 核哿閑𫮋
đc. <Nho> Phùng Dị 馮異 (? - 34), tự Công Tôn 公孫 là tướng của Lưu Tú (Hán Quang Vũ) có công lớn giúp Lưu Tú an định Hà Bắc, tính khiêm nhường. Trong khi các tướng khác tranh nhau khoe công thì dị ngồi tựa dưới một gốc cây lớn mà hóng gió. Quân lính từ đó gọi ông là đại thụ tướng quân. Sau khi Lưu Tú lên ngôi, ông được phong làm Dương Hạ Hầu 陽夏侯, nhậm chinh tây đại tướng quân. Đến đời Minh đế được liệt vào vân đài nhị thập bát tướng (Hậu Hán - Phùng Dị truyện). Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa, nẻo có công nhiều lọ phải tranh. (Bảo kính 131.7).
hoàng quyển 黃卷
dt. quyển sách nhuộm màu vàng. Dương Minh Chiếu trong Hiệu tiên viết: “người xưa khi viết sách thì dùng giấy, lại hay dùng vỏ cây hoàng bá để nhuộm giấy viết, nhằm chống mối mọt. Vì vậy, thư tịch được gọi là hoàng quyển.” (古人寫書用紙,以黄蘗汁染之防蠹,故稱書為黄卷). Lưu Túc đời Đường trong Đại Tân Đường Ngữ phần Cử hiền viết: “Trong sách vở có đủ thánh hiền.” (黄卷之中,聖賢備在 hoàng quyển chi trung, thánh nhân bị tại). Ngon mùi đạo phiến hoàng quyển, rửa lòng sầu chén tử hà. (Tự thuật 114.5).
mỗ 某
đt. <từ cổ> thường đứng trước danh từ, từ phiếm chỉ, nọ, nào đó, trỏ người hay sự vật nào đó chưa biết một cách rõ ràng xác định. Thuỷ chung mỗ vật đều nhờ chúa, động tĩnh nào ai chẳng bởi sày. (Mạn thuật 25.3)‖ (Tự thán 95.1, 100.4)‖ (Bảo kính 167.2).
đt. <từ cổ> trỏ đối tượng đã nhắc đến, hoặc đối tượng mà ai cũng đã biết. Sách Phật Thuyết có câu: Mày tuy là đệ tử cả tao, đi tu hành tuy rằng đà lâu ngày, hay sự mỗ chưa rộng. (tr. 7), sự mỗ tức các sự việc trong đời. Ở thế những hiềm qua mỗ thế, có thân thì sá cốc chưng thân. (Mạn thuật 33.3), mỗ thế: cuộc đời này‖ (Thuật hứng 59.3)‖ (Tự thán 73.7), mỗ phận: phận của mình (tức trỏ phận của các loài phi tẩu)‖ (Tự thán 98.8)‖ (Cúc 216.8), mỗ mùi hương: mùi hương của từng loài hoa (Cúc và lan).
đt. <từ cổ> ngôi tự xưng, ta, có thể dùng làm chủ ngữ, cũng có thể làm tính từ với nghĩa “của ta”. Vương An Thạch 王安石 đời Tống trong du bảo thiền sơn ký 游褒禪山記 viết: Vương Mỗ 王某 và tự chua rằng “Vương Mỗ tức Vương An Thạch tôi. Cổ nhân xưa khi biên soạn sách vở, khi viết đến tên mình, thường chỉ viết chữ mỗ để thay thế, hoặc viết chữ mỗ sau họ của mình. Sau khi viết xong, cho chép lại sách ấy thì mới chính thức viết danh tính”. Trong sách Phật Thuyết có đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất là mỗ giáp : tôi, ta (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít). Dịch từ chữ Hán tương ứng ngã 我 trong câu Ấy vậy mỗ giáp kĩnh lễ ← 是故我皈依 Phật Thuyết, 2b1 ‖ (Ngôn chí 7.1)‖ Phú quý chẳng tham thanh tựa nước, lòng nào vạy, mỗ hây hây. (Ngôn chí 22.8)‖ (Mạn thuật 29.4, 31.4, 34.4)‖ (Tự thán 94.4, 104.8, 106.2)‖ (Tự thuật 114.1, 115.2)‖ (Bảo kính 142.6, 157.7, 180.2)‖ Quý nương đà trở lại lê viên, lui gót mỗ dời chân dặm liễu. (đinh Lưu Tú 11).
dt. <từ cổ> trỏ số lượng nhỏ, chút, mảy may. Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hạnh Ngữ Lục có câu: chẳng mỗ phút hơi, xẩy vậy cả mưa < 不瞬間忽然大雨. Từ ngày gặp hội phong vân, bổ báo chưa hề đặng mỗ phân. (Trần tình 37.2, 38.1)‖ (Thuật hứng 52.2).
dt. <từ cổ> một. Khi mát về chiêm bao khách êm, chốn sơn phòng chẳng có mỗ việc < 涼回客夢清,山房無個事 (TKML). Trong tiếng Hán, “cá” là lượng từ chỉ đơn vị cá thể, đứng trước nó thường là từ chỉ số lượng. Trường hợp từ số lượng là “một”, thì không nhất thiết phải dùng. Do vậy “cá sự” có thể hiểu là “nhất cá cự”, có nghĩa là “một việc”, ở đây được giải âm là “mỗ việc”, thế thì “mỗ” phải là từ chỉ số lượng [NT Nhí 1985]. Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm. (Ngôn chí 5.8) ‖ (Mạn thuật 33.8)‖ (Bảo kính 187.2).
Nghiêm Quang 嚴光
dt. (? - ?), vốn mang họ Trang, người đời sau vì kỵ huý vua Hán Minh Đế Lưu Trang mà cải họ, lại có tên là Tôn, tự là Tử Lăng , người Dư Diêu. Ông là người cùng học với Lưu Tú. Đời Đông Hán niên hiệu Kiến Vũ thứ nhất (25), Lưu Tú lên ngôi, tức Quang Vũ Đế, Nghiêm Quang bèn đổi họ đi ở ẩn ở bờ sông Phú Xuân (Đồng Lô, Hàng Châu, Chiết Giang), ngày ngày buông câu trên bờ, sau chỗ này gọi là nghiêm Tử Lăng điếu đài (đài câu Tử Lăng). Lưu Tú nhớ bạn hiền thuở xưa, sai người vẽ hình Tử Lăng cho tìm khắp thiên hạ, khi được tin liền sai sứ gióng xe ba lần vời về kinh đô Lạc Dương. Khi ấy có người quen cũ là hầu bá đang lĩnh chức tư đồ, sai người đến hỏi thăm, quang nói rằng: “Lòng nhân bỏ nghĩa thiên hạ vui, a dua theo chỉ thì sớm chết.” (懷仁輔義天下悦,阿諛順旨要領絕 hoài nhân phụ nghĩa thiên hạ duyệt, a du thuận chỉ yếu lĩnh tuyệt). Đến khi Lưu Tú đích thân tới thăm, Nghiêm Quang nằm không thèm dậy, vua bèn vỗ vào bụng nói, chà Tử Lăng, vì sao chẳng ra giúp ta? Tử Lăng hồi lâu mới giương mắt nhìn rồi đáp, kẻ sĩ vốn có chí, việc gì mà đến bức nhau thế? Lưu Tú đành lên xe về. Sau Quang Vũ Đế lại vời quang vào cung nói chuyện cũ, nằm chơi nói chuyện với nhau cả đêm. Tương truyền quang còn gác cả chân lên bụng vua. Vua định trao chức gián nghị Đại phu, nhưng Nghiêm Quang không chịu, lại về núi Phú Xuân cày cấy câu cá. Sau lại chuyển về quê, thọ tám mươi tuổi. Kham hạ Nghiêm Quang từ chẳng đến, Đồng Giang được nấn một đài câu. (Bảo kính 153.7). x. Tử Lăng.